Mẹ, thơm một cái
Phan_12
Hoặc tỏ thái độ khinh bỉ nói: “Kha Cảnh Đằng thật là biến thái, nước nhộng tằm mà cũng nuốt nổi, khâm phục khâm phục...”
Có người chứng thực, tính thuyết phục tăng vọt, thế là dần dần mọi người đều tưởng tôi đang uống dung dịch xác nhộng, tôi cũng tiện thể gọt giũa thêm câu chuyện của mình. Chẳng hạn như đây không phải nhộng bình thường bán ngoài chợ, hay trong Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân đã từng ghi chép việc này, không tin đi mà đọc (kết quả cho thấy thế gian này người thực sự cần cù rất hiếm), hoặc là tiệm thuốc Đông y nào đang bán loại tằm đặc biệt này không tin đi mua thử xem, v.v... thể hiện đầy đủ phong độ của một “nhà chém gió” vĩ đại.
Kết quả là lúc sắp tốt nghiệp, tôi mới vừa móc lỗ mũi cười gian xảo vừa bật mí sự thật cho mọi người. Cậu ngồi cạnh tôi ngã ngửa, tỏ vẻ tuyệt đối không tin đây là một vụ lừa đảo, khăng khăng rằng tôi chỉ vì muốn gột rửa tai tiếng “Kha Cảnh Đằng = quái vật uống nước xác nhộng”.
Này! Tạ Phong Dục ngốc nghếch! Tỉnh lại đi!
20/3/2005
hiện tại đang ngồi tàu hỏa đi Đài Bắc, mới hoàn thành một truyện vừa khá “chảnh” về sát thủ, trước khi xuất phát đã gửi bản hiệu đính tập hai của Thợ săn mạng sống.
Thời gian của tôi không ngừng bị dồn nén, rất lo không xin được làm kiểm tra lại sức khỏe, và sẽ vẫn phải đi nghĩa vụ. Lúc đó sẽ không còn thời gian viết lách nữa, đành tranh thủ bây giờ tự ép mình viết thật nhiều.
Mẹ đã làm xong đợt hóa trị thứ ba, tĩnh dưỡng trong nhà mới được một tuần.
Có thể nói là may mắn, lần hóa trị thứ ba của mẹ thuận lợi hơn cả lần thứ hai, gần như không có những cơn sốt làm mẹ sầu não nữa. Truyền một lần huyết tương và một lần tiểu cầu, tình trạnh rất ổn định.
Nhưng sau khi mẹ ra viện, ngay chiều hôm đó ở nhà lại bị ớn lạnh, đo nhiệt độ đã là 38,9 độ. Sau đó, mẹ liên tục bị nhức đầu, uống panadol ngày ba lần theo ba bữa ăn, nhưng không khống chế nổi.
Sau đó cân nặng sút giảm, giờ chỉ còn 36 kg.
Mẹ bắt đầu khóc lóc trước mặt anh trai, than vãn rằng mình đã rất cố gắng ăn uống, tại sao vẫn không thấy tăng cân, tại sao lại khổ sở thế này.
Mẹ càng lo lắng cho bệnh tình bản thân, lo điều trị không khỏi, và bắt đầu than thở người giàu nhất Đài Loan như Quách Đài Minh mà vợ mắc ung thư cũng phải chịu lìa đời.
Mẹ cũng luẩn quẩn giữa một đống câu hỏi... tại sao con người lại mắc bệnh? Tại sao người mắc bệnh lại là mẹ?
Người ốm bị giam hãm trên giường bệnh, chúng ta khó hình dung nổi mức ám ảnh của họ về vấn đề sống chết, chỉ có thể thông cảm, hoặc cố gắng thông cảm. sự nản chí của mẹ cũng hành hạ những người đồng hành với mẹ, là chúng tôi.
Mấy hôm trước đi xem Chuyên gia cua gái (Hitch) với đứa bạn, Will Smith trong phim có một câu thoại: “Mỗi sáng thức dậy, đều phải sống có mục tiêu.”
Tôi không có mục tiêu gì đặc biệt, nhưng đại khái cũng sẽ viết được năm ngàn chữ mỗi ngày. Có ba bốn câu chuyện có thể viết, chọn cái nào đây? Truyện dài hay truyện ngắn? Hoặc bố thí thời gian của mình cho một hoạt động ý nghĩa tương đương là đọc sách. Cuối ngày đến lúc đi ngủ sẽ không còn gì phải tiếc nuối.
Người đang đối mặt với vấn đề sống chết, phải đặt mục tiêu mỗi ngày như thế nào? Có còn tâm trí nào đặt mục tiêu mỗi ngày không?
Mẹ từng nói, mẹ thường không biết mình nên “muốn” gì. không có tâm trạng đọc sách, mà làm gì cũng không hứng thú. Hồi trước mẹ trông tiệm thuốc bận rộn làm không hết việc, ngày nào cũng đến tận một giờ sáng mới được chợp mắt, bây giờ rảnh rỗi, muốn ngủ thì ngủ, lại thành ra không có mục tiêu.
Chỉ thấy mẹ xem đi xem lại những số liệu tôi in từ trên mạng về chống ung thư, đặc biệt là con số thống kê tỉ lệ chữa khỏi. Thỉnh thoảng cùng mẹ ngồi xem phim ở phòng khách, mẹ còn ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Đến lúc mẹ phải được hưởng thú an nhàn rồi.
Nghĩ đến đây liền thấy rất bất lực.
Con nhà người ta đã đi làm từ lâu, anh em nhà tôi thì vẫn học hành, mặc dù từ đầu tới giờ chúng tôi đều vay vốn đi học, cũng không hẳn là gánh nặng kinh tế cho gia đình, nhưng lại không cách nào khiến mẹ có thể về hưu, nghỉ ngơi thật sự và nuôi dưỡng những thú vui nhàn rỗi sau này.
Nghe nói ước mơ có thể chắp cánh cho một con người.
Từ khi chụp cộng hưởng từ MIR ở đại học Y khoa Đài Bắc xong, thỉnh thoảng tôi lại ngồi tưởng tượng, nếu các u nang thần kinh tủy sống của tôi không phải u nước, cũng không lành tính mà là ác tính, thì tôi sẽ phản ứng thế nào? Giả sử chỉ còn sống thêm được năm năm, tôi sẽ sống “có mục tiêu” trong năm năm đó như thế nào?
Tính cách của tôi luôn có khía cạnh rất lãng mạn, câu trả lời rất rõ ràng. Tôi sẽ viết điên cuồng, với sức mạnh gõ nát bàn phím, trong năm năm hoàn thành ước mơ mà một người phải năm mươi năm mới hoàn thành được. Càng đến gần cái chết, càng soi rõ sự lấp lánh của linh hồn.
Nhưng mẹ quá đỗi yêu chúng tôi, nên ước mơ của mẹ đều đặt cả vào chúng tôi. Bởi vậy trong giai đoạn điều trị tĩnh dưỡng này, không thể và cũng nghĩ không ra việc gì để làm ngoài chăm sóc sức khỏe của bản thân thật tốt.
một trong các ước mơ của mẹ, đó là có được một căn nhà mới hoàn toàn thuộc về gia đình tôi. Chúng tôi đã vay một số tiền khá lớn, bỏ thêm rất nhiều công sức và mồ hôi để gấp rút thực hiện mơ ước ấy, thực sự hy vọng mẹ cảm thấy được niềm hạnh phúc ngay lập tức.
Và sau đó là đừng bị đau đầu nữa.
09/4/2005
Mấy ngày gần đây, anh cả và thằng út đều không ở nhà. Anh cả đi Đài Bắc lo vụ thi vấn đáp giai đoạn một của lớp nghiên cứu sinh, thằng út đi dạy.
Tôi thì đã gửi thư mời phản biện luận văn thạc sĩ (hoặc nên gọi là cầu xin), bây giờ chỉ chờ giáo sư hướng dẫn trả lời. Nhưng tờ giấy báo kết quả kiểm tra lại sức khỏe nghĩa vụ quân sự mà tôi mong chờ nhất thì càng ngày càng tuyệt vọng.
Chứng đau đầu của mẹ đã đỡ nhiều, khiến ai cũng mừng. Anh cả nói nếu đổi được cho anh đau đầu thay thì tốt biết mấy, bởi vì anh có thể uống nhiều loại thuốc giảm đau, trong khi sức khỏe mẹ không cho phép.
Hằng ngày ở trong nhà, tôi viết truyện, đọc sách, xem truyện tranh, mẹ sắp xếp đồ đạc, phơi quần áo cho cơ thể được vận động. Đến giờ cơm nước, tôi đứng cạnh mẹ học nấu ăn, phụ mẹ những việc mà thằng ngu mấy cũng làm được, chẳng hạn nhặt rau (té ra súp lơ phải gọt lớp vỏ cứng ở thân), lật mặt cá rán, rán trứng, nêm muối, trộn khô cá, thêm sa tế, và nói đùa linh tinh. Thế là vô tình học được một vài món ăn gia đình đơn giản như mướp xào, mì cà chua. Nhưng việc hay làm nhất mà chỉ cần có lòng thì ai ai cũng làm được, đó là rửa bát. Thực ra tôi rất lo liệu các món ăn qua tay tôi có trở nên bất ngờ khó nuốt hay không.
Tôi thích nhất là ra ngoài đi với mẹ.
Mùa xuân lạnh lẽo lạ lùng sắp qua, mùa hạ thuộc về váy xếp đầm xòe đang đến gần. Gió mấy ngày nay rất ấm, khiến người dễ chịu tới mức sẵn sàng ngủ thiếp đi bất cứ lúc nào. đi dạo ngoài trời, tinh thần phấn chấn cả ngày.
Hôm trước, mẹ và tôi đi dạo ở khu chợ Ngũ Kim, mua bánh kếp mỡ hành, bánh donut, bánh rán mè đem về công viên Diên Bình gần nhà ngồi ăn. Trời hơi âm u, nếu lỡ ông trời làm trận mưa, có lẽ vẫn kịp cõng mẹ phi thẳng về nhà.
Trong công viên có con chó hoang lông lá rất bù xù, trông giống Puma được phóng đại. Nó lại gần chúng tôi và “trồng khoai môn”, bộ dạng chật vật. Cho nên không còn cách nào khác, tôi và mẹ chia cho nó mấy miếng bánh kếp mỡ hành rất ngon. Nó ăn một cách thiểu não, đúng là kén cá chọn canh.
Tôi kể với mẹ về chuyện cũ hồi học ở Tân Trúc, tôi và Xù hay cho chó ăn.
Đó là những năm tháng tôi còn rất nghèo túng, làm thêm đủ thứ việc, dán quảng cáo, phát tờ rơi, gia sư, trèo đèo lội suối thử tín hiệu điện thoại, thậm chí cả thử nghiệm dược phẩm. Trong người hiếm khi cầm nhiều hơn hai ngàn tệ, chuyện hò hẹn cực kỳ khó khăn, chỉ đủ tiền xem phim đợt hai, chia nhau với Xù cùng ăn một cốc kem, cùng ăn một suất đúp bò bít tết vừa to vừa tục ở chợ đêm. Có lần đi xe máy hết xăng, phải dắt bộ về đại học Giao thông.
Nhưng tôi lại rất thích đem cho bọn chó hoang ăn.
Chắc chắn là bị ảnh hưởng khi Puma bước vào đời tôi. Sau khi xa nhà đi học đại học, có một lần từ trung tâm tin học bước ra, bắt gặp một con chó ghẻ đứng run rẩy ở hành lang, rất gầy, rất bẩn, rất thảm hại. Tôi chẳng có ý tưởng nhân đạo gì cho lắm, chỉ chợt quyết định chạy sang Trung Chính Đường phía đối diện mua một cái xúc xích, sau đó lén lút dắt con chó ghẻ vào nhà vệ sinh của trung tâm tin học, lột xúc xích ra cho nó ăn.
Chó ghẻ cắm cúi ăn, tôi ngồi trên bệ xí, đột nhiên không kìm được khóc òa, lòng dạ gần như tan nát.
nói thật, không phải nỗi thảm hại của con chó ghẻ làm tôi đau đớn, mà là tôi bỗng nhớ Puma quay quắt. Nếu tôi nhớ mẹ, hoặc mẹ nhớ tôi, ít nhất đều có thể hiểu được vì sao tôi không ở nhà ở Chương Hóa mà lại ở Tân Trúc.
Nhưng Puma làm thế nào hiểu nổi chủ của nó tại sao vắng nhà, cứ vắng nhà mãi...? Có ai quan tâm đêm đến Puma sợ phải ngủ một “chó” không? Có ai biết Puma rất sợ bị mấy thằng nhóc bắt nạt không?
Puma có biết tôi rất nhớ nó không? Có biết tôi không về nhà không phải tại nó làm sai điều gì không? Tưởng tượng ra cảnh mẹ đưa điện thoại lại gần tai Puma để tôi nói chuyện với nó, rồi Puma trở nên rất yên tĩnh, tôi chỉ có thể tiếp tục ngồi trên bệ xí khóc òa.
Chó ghẻ ăn hết cái xúc xích, nhưng bộ dạng thảm hại khóc lóc của tôi vẫn còn y nguyên.
Sau đó, mỗi lần đi đường hoặc ở trong trường, bắt gặp chó hoang ủ dột thiểu não, tôi lại không khỏi mường tượng: “Nếu Puma bị đi lạc, trở thành chó hoang, bụng đói meo, chắc chắn rất đáng thương!” Nghĩ đến đó, tôi liền lấy thấy vô cùng khổ sở.
Thế là tôi lại đi mua mấy cái bánh bao nhân thịt, gọi lũ chó hoang gần đó đến ăn. Nếu không may cái bánh bao đó cũng là bữa tối của tôi, thì đành chó một nửa người một nửa.
Xù rất thông cảm với tôi về điểm này.
Mặc dù Xù rất sợ khi con chó hoang lăm lăm tiến gần, sợ bị cắn, sợ những con bọ chét trên mình chó hoang, nhưng Xù vẫn cố gắng ngồi cạnh tôi, để tôi từ từ xé bánh bao ra, vừa bỡ ngỡ vừa nhiệt tình “trò chuyện” với chó hoang. Xù cũng không chút phàn nàn khi tôi đột ngột dừng xe máy trước cửa hàng 7-11 để mua bánh bao rồi quành về một chỗ nào đó, xuống xe cho chó ăn. cô nói là tôi là người tốt bụng nhất mà cô từng gặp.
Có thể chính lời khen đó đã khiến tôi càng kiên định niềm tin đối với rất nhiều sự vật.
nói đến cho chó ăn, từng xảy ra một chuyện rất thần kỳ. Tính ra thì đó phải là một trong ba chuyện thần kỳ nhất từng xảy ra trong đời mà tôi nhớ được (chuyện thứ nhất, trứng trong tủ lạnh, đã cho vào lời tựa trong sách Gã ngồi câu thủy quái ở Gambia; chuyện thứ hai là cô gái cơm hộp đã nhắc đến lúc trước).
một buổi tối, tôi và Xù ngồi học ở tòa nhà của khoa Khoa học quản lý, học được nửa chừng, một con chó xù răng vẩu lọt vào giảng đường xin ăn trắng trợn.
Nhưng tôi không có gì cả, làm sao đây? Cứ thế câu giờ. Con chó xù rất hiểu tình hình, nằm luôn ra giả vờ ngủ, thỉnh thoảng ngủ chán, nó bỏ ra khỏi lớp đi dạo phố, sau đó lại về giảng đường nằm cạnh chân tôi.
Thời gian từ từ trôi qua, khoảng 10 giờ tối, bụng tôi bắt đầu thấy đói.
“Mình đi ăn gì đi, nhân tiện mua bánh bao về cho nó.” Tôi bảo.
“Thôi mà, lúc đó nó còn ở đây đâu?” Xù đáp.
“Chuyện đó anh biết sao được.” Tôi nói.
Chúng tôi bèn thu dọn hết đồ đạc, rời khỏi đó. Đích đến là chợ đêm đại học Thanh Hoa. Thế nhưng con chó xù không hề ngủ lại trong lớp mà lẽo đẽo từng bước theo tụi tôi đến nhà để xe máy bên cạnh khoa.
Xù thấy thú vị, nhưng tôi thấy lạ lùng, vì tôi còn chưa nổ máy, con chó đã nhảy phóc lên xe.
“Á?” Tôi nghĩ thầm, con chó này chắc chắn từng có người nuôi dạy.
Muốn đuổi nó xuống xe, nhưng nó cứ ra sức cười, nhe bộ răng vẩu ra rất khoa trương. Nhất quyết không đi.
“Chở nó ra chợ đêm, sau đó chở nó về là xong thôi mà.” Xù ngồi sau nói.
“Thôi được, nhìn cái mặt ranh mãnh của nó kìa.” Tôi cũng rất thoải mái, hai người một chó, lượn ra khỏi cổng trường, thẳng tiến chợ đêm đại học Thanh Hoa.
Tới chợ đêm, còn nhớ là đã dừng xe trước quán đậu hũ thối (lúc nào cũng rán đậu hũ rất mềm). Vừa dừng xe, con chó xù đã hào hứng nhảy xuống đất, tót một cái chẳng thấy bóng dáng đâu nữa.
Tôi ngớ người, Xù cũng ngớ người.
“Nó mà lạc đường thì làm sao đây? Nếu chờ lúc nữa vẫn không thấy thì làm sao?” Tôi hơi bối rối.
Tôi cho rằng chó hoang nên hoạt động bên trong trường thì hơn, nhất là trường đại học. Sinh viên đại học thường không tiếc chia sẻ đồ ăn cho chúng nó, và cũng không vô duyên tới mức bắt nạt chó. Ngược lại, lũ chó không hợp với chợ đêm người xe tấp nập thế này.
Vậy là giờ đây tôi đã thành hung thủ?
“Chà, làm sao đây?” Tôi gãi đầu.
“...” Xù im lặng.
không nhớ tụi tôi đã ăn gì. Tóm lại là sau khi no nê ghé 7-11 mua một cái bánh bao thịt, nhưng không sao tìm thấy con chó xù đó, cũng chẳng biết tên nó, làm sao hú gọi được.
Hết cách, đời là vậy (là sao?!). Còn phải quay về trường. Thôi thì coi như chợ đêm thức ăn thừa la liệt, chó sẽ không chết đói.
Đúng lúc tôi khởi động xe máy, một hình ảnh như phim xuất hiện.
Chó xù từ đâu đó phía bên trái mừng rỡ lao đến, ngoác cái mồm răng vẩu, nhảy tót lên xe tôi, khiến Xù và tôi đều hết vía.
“Quá vớ vẩn, thật sự quá vớ vẩn!” Tôi hét to.
“Oh my God, nó thông minh thật!” Xù cũng bắt đầu hào hứng.
Chúng tôi bèn vui vẻ lạ lùng chở chó xù siêu thông minh về nhà xe của đại học Giao thông.
Khi đó tôi đã nghĩ, về sau kể cho người khác nghe câu chuyện kỳ lạ này, chắc cũng không ai tin. Cuộc đời đúng là đầy rẫy bí ẩn kỳ quái.
Cất xe xong, tôi để cái bánh bao thịt xuống đất. Chó xù mau chóng xơi hết, nhưng không chịu bỏ đi.
Tôi vừa nổ máy, định chạy sang nhà xe của ký túc xá, con chó xù đã nhanh nhẹn tót lên ngồi phía trước, dỗ thế nào cũng không chịu xuống.
“Xin lỗi nhé, mặc dù mày siêu thông minh, nhưng tao không được nuôi chó trong ký túc xá!” Tôi ngồi thụp xuống, thử khuyên nhủ con chó. Mày đã thông minh như vậy, ít nhiều chắc cũng hiểu ta đang nói gì chứ?
Nhưng vẫn không thành.
Hễ tôi nổ máy, chó xù lập tức nhảy tót lên, khuyên nhủ mấy lần vẫn vậy. nói thật, tôi thấy hơi chán, sao nó bướng thế, mà lại có xu hướng hơi bị tăng động.
Đằng nào cũng không thể nuôi chó trong ký túc xá đã đủ bốn giường, tôi bèn kiêng quyết bỏ rơi nó.
Kế hoạch rất đơn giản. Xù phụ trách dụ chó xù chơi đùa một chỗ, tôi phụ trách khởi động máy, chạy từ từ theo đường vòng quanh trường, sau đó Xù chạy thật nhanh lại gần, nhảy lên xe, hai đứa rồ ga vút đi.
Chó xù không bỏ cuộc, cứ thế lao theo, không thèm cắn sủa tiếng nào hết, tập trung đuổi theo chúng tôi.
Tôi rất rầu lòng, nhưng tay ga vẫn vặn căng thêm, cho đến khi chó xù mất hút sau lưng...
Ký ức kết thúc.
Tôi dắt tay mẹ chầm chậm đi về nhà mới, mẹ đội cái mũ của tôi.
Có điều tôi không kể với mẹ, một đêm sau khi chia tay Xù, tôi và anh cả chạy xe máy đem một túi to đựng áo quần cũ vứt ra chỗ gom đồ cũ, một con chó rất giống con xù kia đột nhiên từ trong ngõ xông ra, đuổi riết theo chúng tôi. Trong khi kỷ niệm của tôi mau chóng hiện về, tôi để ý thấy con chó xù đó cũng có hàm răng vẩu.
Xe máy chẳng bao lâu sau bỗng nổ săm.
Tôi và anh cả phải đẩy xe, rất ngao ngán.
Tôi mới kể với anh cả câu chuyện đó, không biết anh tin hay không. Nhưng con chó xù đuổi theo chúng tôi lúc nãy đã mất dạng, không còn cơ sở chứng minh.
Tôi không phải là người cố làm ra vẻ “tâm trạng”. Nhưng tôi thực sự hy vọng rằng, con chó xù răng vẩu sống trong ký ức không phải con vừa lao ra đuổi theo tôi, hay con chó xù vừa thông minh vừa bền bỉ lại vừa to gan ngồi lì trên yên xe máy của một người tốt bụng đó, từ nay sẽ có một chốn nương thân hạnh phúc.
Từ đây có một chốn đi về hạnh phúc...
16/4/2005
Mẹ bắt đầu đợt hóa trị thứ tư. Rốt cuộc.
Sau khi bác sĩ thông báo cho chúng tôi, kết quả xét nghiệm máu mới nhất của mẹ cho thấy mọi thứ bình thường, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng căn cứ theo nguyên tắc hóa trị liệu, mẹ vẫn phải làm thêm một đợt hóa trị nữa cho bảo đảm. Thế là chúng tôi lại vào ở trong Chương Cơ.
Do tình trạng kết hạch ở phổi của mẹ đã được khống chế rất tốt, thành ra lại phải ở buồng bốn người mà chúng tôi vốn rất không ưng. Bác sĩ nói chẳng sao đâu. thật ra lúc khám, tôi đã liên tục dùng “thần giao cách cảm” để bảo anh cả mở miệng xin bác sĩ lúc nào có phòng đơn hẵng nhập viện, như thế tốt hơn cho bệnh tình của mẹ. Nhưng anh cả chỉ mới đả động thì bác sĩ đã khuyên cứ ở tạm phòng bốn người đã, xếp hàng chờ phòng đơn cũng nhanh thôi. Thế là đành quyết.
Chúng tôi được xếp giường gần cửa sổ, ánh sáng rất tốt, may thay.
Có điều tình trạng “ý thức của người nhà bệnh nhân” vẫn xảy ra. Giường bên cạnh liên tục mở đại hội thăm hỏi thân nhân, lần nào cũng tận khuya khách khứa mới về hết, trước đó thì ồn ào náo nhiệt khỏi phải nói, phòng chật người đông nên tần suất người nhà họ vô ý đụng vào giường mẹ rất cao, thường xuyên làm cho mẹ đang ngủ giật bắn mình. Còn bà thím ở giường đối diện thì lại rất quan tâm chúng tôi mỗi bữa ăn những gì, ăn hết bao nhiêu tiền, và thích phản bác mẹ, nhưng như thế vẫn còn đỡ.
Chúng tôi đều mừng lần điều trị này tâm trạng của mẹ rất ổn, lại thường tươi cười, khiến chúng tôi rất yên tâm. Mẹ bảo, nếu ở nhà chờ không biết lúc nào mới bắt đầu điều trị (vừa hy vọng bác sĩ tuyên bố mẹ đã bình phục không cần hóa trị nữa, lại vừa lo nhỡ không làm thêm một lần hóa trị sẽ không đảm bảo), thì thà cứ vào thẳng bệnh viện làm hóa trị luôn còn thấy thoải mái tinh thần hơn.
Thằng út phân tích rất có lý. Đợt hóa trị đầu tiên, mẹ vẫn còn ở giai đoạn phải chấp nhận thực tế bệnh trạng, dĩ nhiên tinh thần rối loạn. Lần hóa trị thứ hai, chưa gì đã phải chọc hút tủy sống, rất đau, đau đến mức người nghị lực như mẹ phải kêu liên tục, cộng thêm ấn tượng kinh hoàng của bốn mươi mốt ngày hóa trị đợt đầu khiến tinh thần của mẹ không tốt, thậm chí có chiều hướng sợ sệt. Tuy nhiên sự thuận lợi của hai đợt hóa trị thứ hai và thứ ba đã giúp mẹ có cơ sở tâm lý tốt, kết quả xét nghiệm máu lại khả quan, bác sĩ cũng nhận xét không cần chọc dịch tủy thêm nữa, nên đã tạo được tâm lý lạc quan cho mẹ.
Tôi quan sát thấy mẹ trở lại Chương Cơ với tâm lý về thăm bạn bè. Bởi vì rất nhiều y tá hộ lý từng chăm sóc mẹ đã quen biết mẹ, nói chuyện với mẹ, nghe mẹ phản bác, trả lời những câu hỏi thăm “truyền thống” của mẹ như “đã ăn cơm chưa”, làm cho mẹ không còn cảm giác như bị người máy chăm sóc, nên yên tâm hơn.
Y tá Uyển Đình rất hay cười, cũng rất sôi nổi, dù đang đeo khẩu trang cũng thấy được miệng cô ấy đang nhoẻn cười. Y tá Phẩm Khiết bằng tuổi tôi cũng bắt đầu kể chuyện riêng cho mẹ nghe. Còn chị Kim Ngọc, ôi, đã có bầu rồi, đứa thứ ba!
17/04/2005
Tôi phải nói rằng, phòng bốn người thực sự là một không gian tù túng hành hạ người ta.
không ti vi, không tủ lạnh, nhà vệ sinh công cộng (chung với cả mười mấy người nhà của giường kế bên), ồn ào, ầm ĩ, không có một tẹo teo riêng tư nào. Từ điển chuyên ngành của bệnh viện cần bổ sung một định nghĩa như vậy về phòng bốn người, không hề quá lời.
không có ti vi tôi thấy cũng chẳng sao, tha hồ tạo dựng những cuộc chiến khốc liệt giữa ma cà rồng với thợ săn mạng bằng bàn phím máy tính. Nhưng không có ti vi mẹ thành ra buồn chán, đáng lẽ mỗi tối đều xem phim dài tập Trái ổi, giờ lại chẳng có gì mà xem cả (mặc dù phim truyền hình Đài Loan cách ba ngày xem một lần vẫn hiểu được đầy đủ nội dung, càng là phim dành cho mấy bà nội trợ càng như thế). Bệnh nhân buồn chán hay sinh ra nghĩ ngợi lung tung, nghiền ngẫm các kiểu triết lý về cuộc sống (tôi phải nói rằng, nghiền ngẫm mãi chắc chắn sẽ thành ra bới lông tìm vết, tẩu hỏa nhập ma), cho nên cuốn Next Magazine trở thành thứ hay ho để mẹ thông thả nhấm nháp, đeo cặp kính lão giở từ trang đầu đến trang cuối, cả quảng cáo cũng không bỏ sót.
không biết tôi đã nói hay chưa, vị bác sĩ từng mắc chứng ung thư máu trong cuốn Từ bệnh sắp chết tới chạy maraton, có nói rằng, kể từ khi mắc bệnh vào viện, ông chỉ nằm phòng đơn, về mặt cách ly thì lợi cho việc phòng ngừa nhiễm vi rút, về mặt không gian thì được tự do và yên tĩnh, thoải mái cho tâm lý, quan trọng hơn nữa chính là có ti vi trong phòng. Ông ta còn bảo, có thể mọi người sẽ chỉ trích mình vì không phải ai cũng đủ khả năng trả chi phí đắt đỏ của phòng đơn, nhưng ông cũng biện luận rằng thế giới này vốn không công bằng, nếu nói rằng ông may mắn có đủ tiền nằm phòng đơn, vậy sao không than thở rằng người mắc bệnh lại là ông?
Phòng đơn ở Chương Cơ mỗi ngày giá 2500 tệ, ba ngày đóng tiền một lần. Chậc chậc. Mặc dù gia đình tôi nợ nần chồng chất, nhưng để mẹ không bị quấy rầy, có được nhà vệ sinh sạch sẽ, có một cái ti vi chống buồn, chúng tôi vẫn quyết định đến phòng hộ lý đăng ký phòng đơn, tạm thời xếp thứ hai theo thứ tự.
Giường bệnh chéo góc chúng tôi ban đầu còn trống, nhưng hôm qua có một bệnh nhân nam cao tuổi vào. Bệnh nhân này dường như đã làm phẫu thuật mở khí quản, không nói bình thường được, ăn uống cũng rất khó khăn. Hơn nữa ông chỉ có một mình, tôi không hề có ấn tượng đã gặp người nhà của ông, hoàn cảnh xem ra rất đáng thương.
Điều gì khiến cho một người đổ bệnh nhưng không ai chăm sóc? Có rất nhiều giả thiết. trên báo từng thấy rất nhiều tấn bi kịch bị con cái bất hiếu bỏ rơi, hoặc do thời trẻ đối xử với con cái không ra gì về già dĩ nhiên rơi vào cảnh cô đơn. Nhưng dù có kiểu suy luận chán ngắt như “người đáng thương chắc chắn có chỗ đáng ghét”, thì nhìn một “con người” sống sờ sờ nằm cô đơn bất lực cách mình chưa đầy hai mét, trong lòng cũng không khỏi day dứt.
một thân một mình nằm viện, cả đến bác sĩ cũng rất thô lỗ với ông ta (mặc dù vị bác sĩ này vốn có vấn đề về thái độ). Bác sĩ hỏi một cách thờ ơ có muốn làm phẫu thuật không, người bệnh nói không muốn, bác sĩ liền lớn giọng: “Chắc chắn đấy nhé! Tự ông nói không muốn phẫu thuật đấy!” Vâng ạ, người bệnh nói không muốn là không muốn, nhưng bác sĩ cũng chẳng buồn giải thích phẫu thuật quan trọng ở chỗ nào. Trong khi người bệnh còn chưa hiểu phẫu thuật có liên quan gì đến bệnh tình của bản thân, thì bác sĩ đã đá toàn bộ trách nhiệm cho người bệnh “tự quyết định”, phủi tay xong chuyện.
Khốn kiếp. Làm bác sĩ như thế à? nói gì thì nói, nằm viện một mình rất đáng thương.
Lưu địa chỉ wap để tiện truy cập lần sau. Từ khóa tìm kiếm: chatthugian